-
-
Tuỳ chỉnh
Font chữ
Palatino
Times
Arial
Georgia
Thấy nhóm thực dân không thể nào hợp tác được rồi, chúng tôi, vào khoảng giữa năm 1927, đã quả quyết đi vào con đường cách mệnh.
Nhưng tôi, một kẻ thư sinh, muốn cách mệnh một cách hợp pháp!
Nguyên ở đây, việt lập các quỹ trừ súc, và các hợp tác xã không cần phải xin phép: Chỉ cần đem điều lệ trình các nhà đương cục. Tôi liền bảo anh Học, một người thuộc thương luật, thảo điều lệ các hội ấy và đem đi cổ động ở khắp mọi nơi. Những hội ấy sẽ lập lên ở giữa các bồi bếp, các công chức, các binh lính, các thợ thuyền, nói tóm lại, ở giữa những người cộng tác với người Pháp. Những hội ấy sẽ do những người có tâm huyết cầm đầu, và trong khi trò chuyện với anh em, sẽ tìm cách làm phổ thông những thường thức về công dân giáo dục. Cái chương trtnh ấy, tôi gọi là chương trình sáu năm. Tôi mong các hội viên buôn bán và tiết kiệm, để dành tiền trong sáu năm. . .
Và sau sáu năm, sẽ đủ tiền nuôi mình, và gia đình trong sáu tháng. . . Rồi, nhân một dịp tiện lợi, chúng tôi sẽ yêu cầu người Pháp cho tự trị. . . Cố nhiên là họ không cho. Khi ấy, tất cả anh em sẽ Tổng bãi công trong sáu thành để làm hậu thuẫn cho chúng tôi. Sáu tháng bất hợp tác! Sáu tháng nghỉ việc của tất cả các viên chức, các sở công, sở tư!
Tình hình chính trị và kinh tế ở xứ này rối loạn đến mức nào, khi ấy sẽ cổ động cả sự bất tuân thượng lệnh ở giữa anh em binh lính! Người Pháp tất phải nhượng bộ và ít nhất là cho ta được tự trị!
Chúng tôi cổ động. Anh em hướng ứng. Những hội đầu tiên đã thành lập ở nhà giây thép Hà Nội, nhà máy sợi Nam Định.
Thế nhưng có một hôm, cả ba anh Tài, Học, Mịch cùng xúm lại, bảo cho tôi biết: chương, trình của tôi chỉ hoàn toàn thuộc về không tưởng mà thôi!
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Mày nghe mồm cái lão già Cam địa chực hòa bình cách mạng! Nhưng thử hỏi cái lão già ấy đã làm được việc gì cho dân tộc Ấn Độ chưa?
Đó là lời anh Học bảo tôi. Rồi Tài và Mịch phụ họa thêm vào. Tôi đã bàn cãi với họ luôn hai đêm. Sau cùng, tôi nghĩ, mình còn nhỏ tuổi hơn cả, mà anh em lại đồng thanh bác cái thuyết của mình, như vậy có lẽ mình là đứa lạc lõng trong không tưởng thật!
"Mày là đứa chỉ sống ở trong mộng và trong sách, đã biết đời là cái quái gì! Phải theo chúng ta! Nghĩa vụ một đứa em nhỏ là phải thế!"
Anh Tài vỗ vai tôi, quyết định tôi một lần nữa.
Chúng tôi liền định lập một đảng bí mật, theo hẳn chủ trương thiết huyết cách mạng. Anh Học đi rủ anh em quen biết ở Hà Nội, được hơn mười người, liền tổ chức nên đệ nhất chi bộ.
Cái tên "đệ nhất chi bộ" là về sau anh em tặng cho, vì đó là chi bộ thành lập sớm nhất. Chứ hiện bấy giờ thì đảng còn chưa có tên chưa có chương trình điều lệ, chưa có gì hết! Những món ấy, chúng tôi mong, sự định đoạt do theo ý kiến chung của các đồng chí, không những ở Hà Nội, mà là ở khắp cả các nơi. Thế rồi, anh Học đem ý định của chúng tôi, tuyên truyền ở hồ khắp địa hạt Bắc kỳ. Đi đâu cũng được các bạn hữu tâm tán thành biểu đồng ý. . .
Kỳ thực thì hồi ấy là hồi phong trào cách mệnh ở Á Đông đương bồng bột. Là một dân tộc chen vào giữa Ấn Độ và Trung Hoa, chúng ta không thể nhắm mắt, bưng tai về sự thức tỉnh chung của các nước bạn. Giá chi dĩ, sau khi Varen nặng túi ra về, nhóm thực dân ở đây cũng cóc cần đến cái bộ áo đạo đức, dùng mãi nó đã cũ nát rồi! Chúng áp chế ra mặt! Chúng đê hèn ra mặt! Mọi chính sách của chúng thi hành, "như nước thêm sâu, như lửa thêm nóng" như đồng mưu với hoàn cảnh bên ngoài, chúng đã xô dân ta vào con đường độc đạo là con đường cách mệnh!
Cho nên ngoài đảng Tân Việt Cách mệnh ở Trung kỳ, ngoài hội Thanh niên Cách mệnh đồng chí gây nên ở Quảng Châu và tràn lan về đất Bắc, khắp các tỉnh, những nhóm anh em không tên, không tuổi như nhóm chúng tôi, lập nên nhan nhản. Ví dụ như nhóm anh Hoàng Văn Tùng ở Thanh Hóa, nhóm anh Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Ninh, nhóm anh Nguyễn Khắc Nhu ở Bắc Giang. Các nhóm ấy khác nào như những giọt nước, gặp nhau là hợp nhau ngay!
Ngày lễ Sinh nhật Chúa Gia tô năm 1927, chúng tôi liền họp một kỳ hội nghị ở nhà một đồng chi tại làng Thể giao trong tỉnh thành Hà Nội. Nhưng vì hơi có động, nên nửa chừng anh em phải giải tán, và về họp lại ở Nam đồng thư xã. Trong kỳ hội đảng ấy, có đủ mặt các đại biểu của các đồng chí các tỉnh. Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đản sinh cùng ngày với ông Giáo chủ đạo Thiên chúa. Và cũng như ông Giáo chủ ấy, lãnh tụ của chúng tôi cũng đem tất cả mà hy sinh cho chủ nghĩa của mình!
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Trong kỳ "Toàn kỳ đại biểu hội nghị" ấy, mỗi đại biểu đều đem tỏ bầy một bản dự thảo riêng của nhóm mình về chương trình, điều lệ của Đảng.
Chúng tôi đã phải làm việc suốt hai đêm ròng rã. Kết quả những ý kiến riêng đã hun đúc lại thành một kỷ cương chung. Trước kia, Đảng mỗi chỉ là một ý định mơ hồ. Đến bây giờ, mới có đủ một hình thức, một tinh thần rõ rệt.
Đảng lấy tên là "Việt Nam Quốc Dân Đảng" theo đề nghị của anh em Hà Nội. Người vào đảng phải làm lễ phát thệ, theo đề nghị của anh em Thanh Hóa. . .
Mục đích là liên lạc tất cả các anh em đồng chí, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dùng võ lực để lấy lại quyền độc lập cho nước Việt Nam.
Cách tổ chức thì mỗi chi bộ gồm nhiều nhất là mười chín người. Vì theo pháp luật hiện hành, sự hội họp quá mười chín người phải xin phép trước. Mỗi chi bộ chia làm bốn ban: Tài chính, tuyên truyển, trinh thám và tổ chức. Rồi bầu lấy một người chi bộ trưởng và một người đại biểu lên tỉnh bộ.
Người trong tỉnh bộ gồm có các đại biểu của chi bộ. Cũng chia bốn ban. Cũng bầu hộ trưởng. Và cũng một người thay mặt cho anh em để dự vào đảng bộ cấp trên.
Cấp trên là kỳ bộ, nguyên tắc tổ chức cũng như ở dưới. Rồi mỗi kỳ bộ sẽ cử lên một số đại biểu để họp thành Tổng bộ. Tổng bộ, cơ quan tối cao của Đảng, so với các đảng bộ dưới, có thêm ra bốn ban: Ban binh vụ, ban ngoại giao, ban giám sát, và ban ám sát.
Suốt trong thời kỳ anh Học còn, vì sự tuyên truyền chưa lan được khắp Trung, Nam, nên Tổng bộ chỉ là Kỳ bộ miền Bắc tạm quyền công việc. Đã một hồi, từ Sài gòn và mấy tỉnh đường trong, có lập được ít nhiều chi bộ. Nhưng kỳ bộ miền Nam chưa hề có cử người về Tổng bộ. Hai nơi chỉ là cùng nhau liên lạc mà thôi.
Tổ chức thì thế, còn chương trình hoạt động, thì chia làm ba thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất là phôi thai, làm trong vòng bí mật.
Thời kỳ thứ hai là dự bị, làm trong vòng bí mật.
Thời kỳ thứ ba là phá hoại, tức là đánh đổ đối phương.
Xét ra thì cách tổ chức của Đảng lúc ban đầu hoàn toàn theo lối dân chủ đại nghị. Nó rất giống với cách tổ chức của đảng Tân Việt Cách mệnh. Kỳ trực thì cả điều lệ lẫn chương trình, phần nhiều là châm chước theo đề nghị của anh Hoàng Văn Tùng (anh bị bắt năm 1929 và chết ở Hoả Lò), đại biểu Thanh Hoá. Anh Tùng vốn là bạn thân của anh Tôn Quang Phiệt, người bên Tân Việt. . . Hoặc giả đề nghị của anh đã dựa theo đảng cương bên Tân Việt cũng chưa biết chừng!
Cho cả đến lời phát thệ, anh em "đường ngoài" lúc trước cũng chưa hề nghĩ đến bao giờ:
"Trước giang sơn, Tổ quốc, trước mặt anh em đồng chí, tên tôi là mỗ, bao nhiêu tuổi, thề xin hy sinh cho Đảng, xin giữ bí mật của Đảng, xin phục tùng mệnh lệnh của đảng, không được tự do ly Đảng. Nếu sai lời, xin chịu tử hình!"
Lời thề ấy, đã làm tim tôi bao nhiêu lần hồi hộp, mỗi khi đi chứng kiến sự thành lập một chi bộ gồm có các đồng chi sáu, bẩy chục tuổi, đầu tóc bạc phơ, hay một chi bộ nhà binh, thường là các hạ sĩ quan, trên vai bông ngù vàng lấp lánh!
Bởi vì là một đảng bí mật, nên chúng tôi hết sức tránh việc giấy tờ. Đảng viên không có danh sách. Các kỳ họp cũng không có lập biên bản. Chương trình nghị sự, xong buổi họp rồi liền đốt đi. Có ai ngờ kín đáo như vậy, mà ngay từ khi Đảng chưa thành hình, ty Mật thám đã mong manh biết. Kẻ tố cáo đầu tiên, than ôi, lại là một trong những thanh niên trí thức: Nguyễn Quốc Tuý tiên sinh!
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Như trên đã nói, hồi ấy, các sinh viên Cao đẳng thường cùng chúng tôi làm chung nhau mọi việc vận động có màu chính trị. Trong các anh ấy, có một bọn lấy cụ Nghè Ngô Đức Kế làm lãnh tụ. Trong đám đồ đệ của cụ, có ba anh tỏ ra vẻ sốt sắng nhất: Trần Tiến Vỹ, Nguyễn Quốc Tuý và Nguyễn Văn Phùng.
Trừ Phùng ra, người ta nói bọn kia thường mượn màu ái quốc để mưu đồ cả lợi lẫn danh. Tuy lúc nào cũng bô bô là đi với anh em lao dộng, nhưng họ đã sống một cuộc đời thật trưởng giả! Đi thì ô tô! Ngủ thì nhà ả đào hay phòng khách sạn! Và ăn thường là ở cao lâu khách hay hàng cơm tây! Ấy là mỗi khi họ đi công cán một tỉnh nào! Tiền đâu mà họ ăn xài lớn vậy? Vì họ không phải con nhà giầu. Họ đã lạm dụng lòng tin, lòng tốt của mọi người. Họ đã ăn chơi bằng những tiền họ đi quyên. Lúc thi quyên giúp anh em trường Bưởi bãi khoá, lúc thì quyên giúp anh em trường Bách nghệ đình công. Lúc lại quyên giúp anh Phạm Tất Đắc ở tù vì tội viết và xuất bản cuốn "Chiêu Hồn Nước" . Nhưng người ta không ngờ đến rằng trong đó lại có kẻ hạ mình quá thấp đến địa vị trành, chó!
Tôi còn nhớ trong hồi xảy ra vụ Bắc Ninh, Nguyễn Văn Phùng thình lình bị bắt. Sau khi được tha, Phùng lên thăm chúng tôi ở Nam đồng thư xã. Lúc ra về, Phùng buồn rầu mà nói:
- Các anh phải coi chừng! Mật thám ở ngay bên mình chúng ta đó! Không vào trong ấy, không ai có thể tưởng tượng được mức đê tiện của giống người!
Tôi hỏi:
- Ai vậy?
Phùng đáp:
- Nói ra không tiện! Nhưng anh cứ yên lòng, vì không phải ở trong đám các anh.
Lời Phùng nói làm tôi nặng một mồi ngờ. Cho mãi đến năm 1929, một hôm ở trong Hoả Lò, người ta đã gọi lên cho dở coi hồ sơ của mình để mà viết bài tự bênh vực, tôi mới biết rõ ý nghĩa của câu Phùng nói.
Trong hồ sơ, tôi thấy kèm có hai tờ khai của Tuý trong năm 1927. Mới đầu năm với cuối năm, mà Tuý đổi khác như hai người.
Đầu năm ấy, nhân dân đất Bắc định đón cụ Phan Bội Châu ra chơi. Túỵ cùng mấy anh em nữa, đưa ô tô vào mời cụ. Ra đến Vinh, mật thảm rước cụ quay về và giữ Túy lại hỏi.
Đại khái Túy đáp:
- Ông Cử Can dựng lên "Đông kinh nghĩa thục" thật, nhưng bây giờ ông ấy già rồi, vừa nhút nhát, vừa gàn dở! Ông Hoàng Tăng Bí thì có gì! Khi xưa vào nghĩa thục cũng là lôi cuốn theo phong trào! Còn bây giờ thì chỉ muốn yên thân. Lại làm thuê cho lão Nguyễn Văn Vĩnh, là người đối với Quốc dân mất hết tín nhiệm! Riêng cụ Ngô Đức Kế là tay cách mạng sáng suốt, lúc nào cũng cương quyết, vững bền, không dễ lấy tiền mà mua chuộc được. Vì vậy chúng tôi năng lui tới nhà cụ để nghe lời chi bảo. Còn các tay chí sĩ khác ở các miền nhà quê, thường vẫn giúp tiền chúng tôi. Các thanh niên đi lại với chúng tôi, đều bị liệt tên vào sổ đen. Thế nhưng nào có chuyện gì? Ngoài sự tập võ Tàu. võ Nam ra, toàn là chuyện phiếm cả. Tôi không thân với Cờ-lê-măng-ty, vi tôi cho hắn là kẻ muốn ìợi dựng lòng ái quốc của chúng tôi để kiếm chác! Còn bọn Nam Đồng thư xã cũng chẳng hơn gì. . .
Hùng hồn thay! Trong khi đối đáp ấy, Tuý thực đã "mắt xanh chẳng để ai vào", thực đã "mục không nhất thế" .
Thế mà đến hồi tháng 9, khi bị trục xuất khỏi đất Bắc kỳ, vì cớ hay đưa tay vào các việc chính trị, "dúng tay trước để mút tay sau", Tuý đã nằn nỳ với R. , mật thám:
- Xin ông cho tôi ở lại! Tôi sẽ xin báo ông biết những tin quan trọng lắm kia!
R. cười khảy, đáp bằng một giọng mỉa mai:
- Quan trọng à? Về qua Vinh anh sẽ khai với quan Chánh mật thám Vinh. Ngài cỏn nhớ anh đấy!
Ấy thế mà khi qua Vinh, Tuý cũng khai nữa!
Trong các điều quan trọng mà Tuý khai, tôi nhờ có câu này:
"Hôm trước đây, người bạn đồng song của tôi là Nguyễn Thái Học, có đến rủ tôi vào một hội kín mà mục đích là dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân. Trong hội kín ấy có cả Nhượng Tống và Phạm Tuấn Tài. . ."
Về Phùng, chắc Tuý cũng không tha cho nên Phừng mới phàn nàn với chúng tôi.
Dưới tờ khai của Tuý, sở Mật thám có chua mấy câu: "Tên Tuý này là một tay cáo mật chuyên môn! Mỗi lần bị đòi ra sở Mật thám là một dịp hắn tâu nộp tâng công. Hôm trước bị bắt về việc Hải Phòng, Tuý đã cho chúng ta niềm tin. Và hứa mỗi khi biết được chuyện gì nữa sẽ có thư trình sau. Thư ấy sẽ không ký tên, và đánh một chữ thập làm dấu" .
Cho hay những hạng đê bạ ở đời, dù được việc cho người ta, mà người ta vẫn coi thường, coi rẻ!
Cái ấy, tức gọi là "thiên lý tại nhân tâm" .
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Tôi vừa nói đến việc Hải Phòng.
Vào khoảng tháng tám năm 1927, ở Hải Phòng không hiểu tại vì sao, xảy ra Việt - Hoa xung đột, người ta kéo bè đánh người Tầu ở ngoài phố, rồi đến sấn vào phá phách các cửa hàng.
Có người cho đó là thủ đoạn của nhóm thực dân Pháp. Họ bỏ tiền ra thuê bọn du côn gây sự lôi thôi. Nếu người mình giết kiều dân Tầu ở bên này, thì chính phủ Tầu hoài hơi đâu mà giúp đỡ cho bọn cách mệnh Việt Nam ở bên ấy!
Biết cái mưu cay độc ấy, anh em Việt Nam thanh niên cách mệnh đồng chí ở Tổng bộ đặt ở Quảng Châu, liền rải truyền đơn vào đêm 22 tháng Tám, trong truyền đơn nói rõ các tình tệ. Cuổi cùng khuyên người mình, người Tầu cùng giống da vàng, không nên mắc mưu mà làm những việc vô ý thức như thế! Trái lại, nên đồng tâm hiệp lực mà tẩy uế chế độ thực dân là mối hại chung.
Truyền đơn ấy rải ra, người Hải Phòng bị bắt lung tung. Ng. M. B. , một văn sĩ kiêm y sĩ, liền tâu với sở Mật thám là có lẽ do Phạm Tuấn Tài rải. . .
Nguyên chúng tôi khi ấy thấy việc Việt Hoa xung đột cũng sốt ruột. Sợ nó lan lên đến Hà Nội, nên phải tìm phương đối phó. Một mặt, nhờ các anh em du côn lảng vảng cạnh các phố Khách, nhất là các hiệu ăn.
Nếu kẻ nào đến tìm cách sinh sự với người Khách, anh em thẳng tay trừng trị ngay. Một mặt, đến bảo các ông Bang trưởng thông tri cho các người Tầu: "Nếu gặp người Việt Nam nào sinh sự thì đừng đối đáp lại một cách nóng nẩy quá! Tự nhiên sẽ có đồng bào chúng tôi đến can thiệp và hoà giải" . Nhưng còn muốn điều tra cho thật rõ nguyên nhân, chúng tôi liền cắt anh Học và Tài xuống Cảng xem xét tận chỗ. Nhân thể đi tuyên truyền hai hạt Hải Phòng, Hải Dương.
Các anh đi hôm 24 về hôm 26, đến 28 thì mật thám đến khám Nam đồng thư xã và bắt anh Tài đem đi.
Đó là kết quả về lời trình của B. Mà B. chỉ quen có Tài, nên không tâu gì về Học. Nếu không, Học cũng bị bắt rồi, còn chi?
Nhưng khi giải đến Cảng hỏi, thì họ biết là truyền đơn chẳng rải từ tay Tài: Việc đã xảy ra từ ngày 22, nghĩa là là hai ngày trước khi Tài có mặt ở đây. Vả lại khi khám Thư xã cũng không bắt được tang vật gì khả nghi cả. Họ liền tha Tài về. Tuy vậy, từ đấy anh cũng bị chú ý nhiều hơn trước. Họ cho việc để anh dậy học ở trường Đỗ Hữu Vỵ, một trường tập sự của các viên giáo lập là khá bề lợi hại! Họ rắp tâm đổi anh đi xa hẳn đất Thăng Long.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện